Những thước ảnh vô cùng sinh động sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về quá trình thụ thai và sự lớn lên của thai nhi.
Giai đoạn thụ thai là quá trình thai nhi được hình thành bắt đầu từ giai đoạn rụng trứng đến giai đoạn thu tinh từ tuần 1 cho đến khi kết thúc ở tuần 40 của thai kì như sau
Giai đoạn 1: Sự rụng trứng
Sự rụng trứng xảy ra khi một quả trứng được phát hành từ trong buồng trứng. Tại thời điểm trứng rụng, chất nhầy ở cổ tử cung sẽ nhiều hơn để tạo điều kiện cho tinh trùng dễ thâm nhập trứng.
Giai đoạn 2: Thụ tinh
Thụ tinh diễn ra trong các ống dẫn trứng khi một tinh trùng duy nhất tiếp cận được với trứng và tạo thành một tế bào gọi là hợp tử.
Giai đoạn 3: Hợp tử
Trong vòng 24-36 giờ sau khi được thụ tinh, tế bào phân chia thành 2 tế bào, sau đó 12 giờ tiếp tục phân chia thành 4 tế bào và cứ tiếp tục phân chia như vậy.
Giai đoạn 4: Phôi dâu
Các hợp tử tiếp tục phân chia để tạo thành một cụm tế bào được gọi là phôi dâu. Khoảng 3-4 ngày sau khi thụ tinh, phôi dâu rời khỏi ống dẫn trứng đi vào tử cung.
Giai đoạn 5: Thai 3 tuần
Khoảng 6 ngày sau khi thụ tinh, các cụm tế bào tạo thành khoang rỗng gọi là túi phôi. Phôi nang tiếp tục cấy vào niêm mạc tử cung, có thể khiến mẹ bị chảy máu nhẹ ở âm đạo. Đến thời điểm này, người phụ nữ được cho là đã mang thai 3 tuần.
Giai đoạn 6: Thai 4 tuần
Nhóm bên trong của tế bào giờ được gọi là phôi, các tế bào bên ngoài liên kết với các nguồn cung cấp máu của mẹ để tạo thành nhau thai, Các tế bào bên trong tạo thành 2 rồi 3 lớp, mỗi lớp sẽ phát triển thành một phần khác nhau của cơ thể.
Giai đoạn 7: Thai 5 tuần
Các tế bào gấp lại tạo thành một ống tròn gọi là ống thần kinh. Nơi này sẽ trở thành bộ não và tủy sống của bé sau này. Đến cuối tuần này, tuần hoàn máu của bé sẽ bắt đầu và trái tim bé cũng phát triển một cách nhanh chóng. Người phụ nữ đã nhận thấy quá ngày có kinh nguyệt.
Giai đoạn 8: Thai 6-7 tuần
Bộ não của bé đang phát triển ở một khu vực riêng, đôi mắt và đôi tai cũng đã bắt đầu hình thành. Tim đập mạnh và có thể nghe được qua thiết bị siêu âm. Những phần trồi lên sẽ là chân, tay của bé sau này.
Giai đoạn 9: Thai 8-9 tuần
Em bé giờ đã chính thức được gọi là bào thai. Khuôn mặt đang dần hình thành, đôi mắt đã rõ ràng hơn và tay chân cũng đã có ngón. Các cơ quan nội tạng đều đang phát triển rất nhanh chóng.
Giai đoạn 10: Thai 10-12 tuần
Chỉ 12 tuần sau khi thụ thai, thai nhi đã được hình thành đầy đủ. Đến nay, gần như các cơ quan và cấu trúc chính trong cơ thể bé đã hình thành và tiếp tục phát triển cho đến khi chào đời. Em bé cũng bắt đầu di chuyển nhưng mẹ chưa thể cảm nhận được.
Giai đoạn 11: Thai 13-20 tuần
Bé đang phát triển với tốc độ vô cùng nhanh chóng và bụng bầu của mẹ cũng lớn lên rất nhanh. Khuôn mặt bé đã giống con người hơn, tóc, lông mày, lông mi cũng bắt đầu phát triển. Cuối tuần 20, mắt bé có thể mở ra, đóng vào.
Giai đoạn 12: Thai 21-24 tuần
Vào khoảng tuần thứ 22, cơ thể bé được bao phủ một lớp lông tơ dày được cho là để giữ cơ thể bé ở nhiệt độ thích hợp. Mẹ đã dễ dàng cảm nhận được những chuyển động mạnh mẽ của bé.
Giai đoạn 13: Thai 27-29 tuần
Nhịp tim của bé có thể dễ dàng nghe được qua ống nghe. Bao quanh làn da của bé bây giờ là chất nhờn vernix – để bảo vệ làn da trong nước ối.
Giai đoạn 14: Thai 32 tuần
Em bé có thể đã bắt đầu xoay đầu xuống dưới để sẵn sàng trong tư thế chào đời.
Giai đoạn 15: Thai 33-42 tuần
Kích thước trung bình của bé trong những tuần cuối thai kỳ từ 2,7-4,1kg và dài 50-53cm. Nhau thai bằng khoảng 1/6 trọng lượng em bé. Vào những tuần cuối này, mẹ hãy sẵn sàng tất cả mọi thứ để vào viện đón con chào đời bất cứ lúc nào.